GIỚI THIỆU SÁCH: NHỮNG NGƯỜI CON HIẾU THẢO

MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN ĐẸP,
MỘT CUỐN SÁCH HAY, MỘT TẤM GƯƠNG SÁNG

Hôm nay, Liên đội - Thư Viện sẽ giới thiệu tới các bạn một cuốn sách “ Những người con hiếu thảo” có trong tủ sách Giáo Dục Đạo Đức tại thư viện trường Phước Tiến. “Những người con hiếu thảo” là tập truyện chọn lọc từ cuộc thi viết truyện ngắn giáo dục đạo đức cho thiếu niên, nhi đồng. Sách dày 167 trang được in trên khổ giấy 11 x 18 cm do Nhà xuất bản Giáo Dục  ấn hành năm 2007. Sách gồm 38 câu truyện, nội dung của các câu truyện đều nói tới các mối quan hệ, cách ứng xử của thế hệ trẻ hiện nay đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em, họ hàng nội, ngoại và những người thân yêu khác trong làng quê, khối phố nơi họ sinh sống. Chúng ta hãy cùng nhau lắng nghe 1 trong 38 câu truyện có nội dung trên nhé! Câu truyện “Lòng mẹ” tác giả Phạm Quang Hưng  xin được phép bắt đầu:

LÒNG MẸ

... Khi Nam mở mắt thì trời đã bắt đầu nhá nhem tối. Nam nhận ra là mình đang nằm trên một ghế đá ở công viên. Lúc này, đường phố đã lên đèn và dòng người qua lại trên đường đã bắt đầu thưa thớt hơn so với ban ngày. Nam hồi tưởng lại sự việc xảy ra trưa nay đã khiến nó bỏ nhà ra đi...

Về đến nhà, Nam vứt cặp xuống sàn cái bịch rồi mở nắp lồng bàn ra. Bữa trưa đã được dọn sẵn, mẹ Nam còn đang hì hụi cuốc miếng đất sau nhà để trồng thêm mấy luống rau xanh. Ồ! Hôm nay có cá rán, món mà Nam thích nhất, chắc tại hôm qua nó than phiền với mẹ về việc các bữa ăn chỉ tòan những rau với trứng, đậu ăn mãi cũng chán, nên hôm nay mẹ mua cá để đổi bữa. Nhà chỉ có hai mẹ con, bố Nam mất từ khi nó còn đỏ hỏn, mẹ nó nhất quyết không chịu đi bước nữa mà một mình vò võ nuôi con, mặc dù khi ấy bà còn rất trẻ. 16 năm rong bà nuôi Nam khôn lớn và dành hết tất cả tình yêu thương của mình cho đứa con trai độc nhất. Nam lớn lên như một ông hoàng con, muốn gì được nấy, nên sinh ra ương bướng, không vâng lời mẹ và luôn luôn đòi hỏi...

 Hôm nay, vừa ăn cơm xong, Nam đã vòi mẹ cho tiền để cùng bạn bè đi chơi, mẹ Nam ái ngại nói:

- Nhưng cuối tháng mẹ mới lĩnh lương, nếu bây giờ cho con tiền thì chẳng còn bao nhiêu. Thôi lần này ở nhà học bài con ạ, con mới có 16 tuổi, tuy đã lớn nhưng đi chơi xa thì không tốt đâu...

 Nghe chưa hết câu, Nam đã lên tiếng phản đối:

- Mẹ không muốn cho con nên mới nói thế chứ gì? Nhà mình nghèo thật nhưng có mấy chục ngàn làm gì mẹ không lo nổi chứ? Nếu bố mà còn sống thì chắc con đã được bố cho tiền ngay.

 Bị đụng đến nỗi đau trong lòng, mẹ phẫn uất:

- Nam! Sao con lại nói thế, bấy lâu nay mẹ có để cho con thiếu thốn gì không? Bố con đã mất mà sao con cứ đem bố ra để so sánh với mẹ, thật là ...

- Hư! Không cho thì thôi, cần quái gì.

Mẹ Nam choáng váng trước câu nói của đứa con mà bà hết lòng vì nó hơn chục năm ròng. Rồi Như không nhịn được, bà tát cho Nam một cái, đây là lần đầu tiên trong đời bà đánh con. Bà gục mặt xuống hai tay ôm mặt. Lát sau, bà ngẩng mặt lên nhìn thẳng vào mắt Nam cái nhìn vừa xa lạ vừa có vẻ giận hờn, oán trách. Nam chạy đi, chạy thật nhanh ra khỏi nhà không đếm xỉa gì đến tiếng gọi thổn thức của người mẹ. Nó chạy, chạy mãi cho đến khi mệt mỏi mới nằm vật xuống một cái ghế đá khó khóc thầm, sau đó ngủ thiếp đi cho đến bây giờ...

 “Mình sẽ không về nhà nữa, mình sẽ đi bụi đời luôn vì mẹ không còn yêu mình nữa”. Nam thầm nghĩ. Nó cứ ngồi đó ngắm dòng người đi lại như mắc cửi, trong bụng là cơn đói cồn cào. “Không! Không thể về nhà được, không phải do lỗi của mình”. Đang đấu tranh tư tưởng, nó chợt nghe thấy một tiếng động rất gần... Thì ra đó là hai mẹ con người ăn xin, đứa bé khoảng ba, bốn tuổi đang rúc đầu vào ngực mẹ và ngủ ngon lành, còn mẹ của nó, một tay ôm con, tay kia chìa ra xin những đồng tiền lẻ của người qua đường. Thi thoảng cũng có vài người ném cho bà những tờ giấy bạc. Qua ánh đèn, Nam thấy rõ đó chỉ là những tờ 200, 500 cũ nát...

 Cứ thế, Nam ngồi theo dõi mẹ con người ăn xin một lúc lâu. Hình như nhận thấy con mình đã đói, bà lặng lẽ gom đóng bạc lẻ đến một quán ăn mua cho con mình một tô phở. Tiền xin được chỉ đủ mua một bát. Bà mẹ ngồi đó, nhìn đứa con ngấu ngiến ăn. Nam thấy trong đôi mắt bà sự mãn nguyện, niềm hạnh phúc, hân hoan...

 Trước kia, Nam cũng từng cảm nhận được những điều ấy trong đôi mắt của mẹ mình. Thế rồi biết bao ký ức về mẹ, về những ngày hạnh phúc của hai mẹ con Nam chợt tràn về trong trí óc và từ hai khóe mắt Nam, những giọt nước mắt tuôn ra lăn đều trên gò má. Những giọt nước mắt hối hận. Nam bật dậy và lao nhanh trên vỉa hè, đôi chân Nam mang theo nỗi lòng của đứa con bất hối lỗi đang tìm đường về với mẹ hiền. Kia rồi! Căn nhà nhỏ bé thân yêu đã hiện ra trước mắt, nơi đó có mẹ đang mong chờ đứa con mòn mỏi...Nam sẽ vào nhà, xin lỗi mẹ, sẽ hứa với mẹ không bao giờ làm bà phải đau lòng nữa. Hai mẹ con sẽ lại được sống những ngày chuỗi ngày tháng vui vẻ như trước kia, hồi Nam còn bé, rất bé....

  Qua câu chuyện trên chúng ta có thể rút ra được bài học hữu ích: Đó chính là tình mẫu tử thiêng liêng, cao cả rất quan trọng trong cuộc sống của mỗi con người. Tình cảm ấy không điều gì có thể đong đếm được. Vì vậy hãy yêu thương nhau khi còn có thể, hãy khiến cho cuộc sống của chúng ta giàu tình yêu thương.